Welcome to my very own tiny corner

Welcome to my very own tiny corner

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

P I L L O W T A L K 1 : SỐNG THẬT

Năm lớp 8, tôi lần đầu đọc truyện tranh Nhật thể loại SA (Shounen/Shoujo Ai) là Tokyo Babylon. Khoan hãy khẳng định đó là một tuyệt tác mà tôi đã đọc đi đọc lại hơn 10 lần, thuộc từng câu thoại, rõ từng tình tiết; khoan hãy nói về bối cảnh nước Nhật cách đây gần 25 năm (truyện ra đời năm 1990, kéo dài đến 1993) với những định kiến vẫn đeo gông nặng nề và cái nheo mắt đầy khắc khe với giới tính thứ ba, cảm nhận đầu tiên của tôi - đứa con nít đến tình yêu nam nữ còn chưa mường tượng nổi, huống gì một cung bậc khác, một nấc thang khác, một thế giới hoàn toàn lạ lẫm của yêu đương ái ngộ - là cảm động trước những câu chuyện đời thường được xây dựng khéo léo đan xen, là khao khát được sống tốt đẹp hơn mỗi lần nhân vật nam chính mỉm cười, là nhiều bài học có tính nhân văn được rút ra đều đặn sau mỗi chương truyện. Gần 10 năm sau đó, ngẫm lại, tôi biết ...

the_smoking_man_by_wrappedupinbooks
... trước khi nhận ra đồng tính là gì, trước khi ngờ ngợ mình đang mở trên tay những trang sách truyền đạt thứ tình cảm có phần khác người, tôi đã khẳng định chắc như đinh đóng cột, trong nhận thức, rằng những nhân vật đó xứng đáng được hạnh phúc, xứng đáng được thừa nhận và trân trọng dù thế nào đi nữa, bởi họ đã sống đủ tốt, nâng niu nhau đủ nhiều, và cống hiến cho xã hội này đủ miệt mài, chân chính. Khi ấy tâm trí tôi hoàn toàn thoáng đãng, không bị phủ mờ bởi bất cứ lời kêu gọi ủng hộ đồng tính nào, không bị kích động trước vài câu chuyện bi thương về quyền được yêu của người đồng tính, tôi chỉ nhìn họ bằng con mắt trong veo, nhìn họ như một người bình thường, và ai lại ghét bỏ một người bình thường tốt đẹp, không gây hại hay tổn thương ai, không mảy may có ý xáo trộn thế giới.

Tôi không khắc khe, cũng không quá vị tha hay mang trên vai một bầu trời nhân cách. Tôi ích kỉ, hay hờn dỗi, mắc bệnh chán ghét vô cớ, đồng thời cũng rất hiền lương lành tính. Tôi biết trên cuộc đời này có rất nhiều kẻ như tôi, cũng lưng chừng, cũng dễ thích nghi và không hay so đo phán xét. Xã hội này ban đầu bất đồng vì giới tính thứ ba, dùng nhiều từ cay độc như báo chí vẫn viết, nhưng dần cũng như tôi lần đầu biết về thế giới của các bạn : nếu hình ảnh của người đồng tính là tốt bụng, là hòa nhập như một người qua đường thường thấy, hay thậm chí hữu ích, bao dung như Subaru, hẳn chúng tôi sẽ đánh giá các bạn đúng thôi, cần thời gian, nhưng chắc chắn đại đa số sẽ chấp nhận các bạn, như chấp nhận một kẻ hơi lạ đứng dưới một bầu trời, uống chung nguồn nước mát.

Tôi vẫn tự hỏi phong trào "sống thật" của các bạn mang đại ý gì, khi lẽ ra các bạn đã sống thật từ ngày chui khỏi bụng mẹ rồi cơ. Sinh ra, lớn lên trong cuộc đời này dưới hình hài, khuôn mặt không lẫn vào đâu đã là một lần sống thật; lớn lên cư xử khéo léo, định hình tính cách, xây dựng hoài bão mang dáng dấp bản thân, để khi vô tình gặp bạn bè cũ, hỏi đến bạn họ sẽ nhanh chóng dùng ngay vài tính từ chỉ-dành-cho-bạn, để khi nhìn mình trong gương, bạn phân biệt được bản thân với những cô gái cậu trai cùng tuổi. Mọi người ai cũng có cơ hội sống thật một cách tự nhiên, dù là tôi - đứa con gái thích con trai, hay bạn tôi - đứa con trai thích con gái hay các bạn với những tình cảm đủ loại đan xen. Trào lưu "sống thật" gần đây vô tình khiến tôi phân biệt mình với các bạn, các bạn cần "come out" còn những người khác thì không, các bạn nghiễm nhiên cho rằng đấu tranh vì người đồng tính quan trọng vô cùng, mà quên đi hàng ngày phụ nữ ở một số quốc gia Trung đông hay gần hơn là Trung Quốc, Nhật bản vẫn tìm cách khẳng định bản thân, bình quyền giới tính. Những vấn đề các bạn đối mặt hoàn toàn nằm trong những bất bình xã hội, sự bất công các bạn đang đấu tranh hoàn toàn tương tự với những gì người phụ nữ cố gằng hàng ngàn năm qua để xoay chuyển. Xã hội này vốn không công bằng, chỉnh trang suy nghĩ vốn đã hình thành từ ngàn xưa, được bồi đắp bởi bề dày lịch sử chỉ bằng lời nói đơn thuần là vô ích lắm. "Sống thật" là biểu ngữ của các bạn, các bạn sẵn sàng xù lông, thậm chí phán xét người khác là cổ hủ, là bất công (dù cuộc đời vốn chẳng bao giờ công bằng nổi) khi họ lên tiếng phản đối, bao nhiêu người nằm vùng trào lưu lớn mạnh như làn sóng dữ, sẵn sàng nhấn chìm không chút lắng nghe, thậm chí đắn đo suy nghĩ liệu mình cần sống như thế nào để xã hội này chấp nhận điều vốn không thuận số đông như thế?

Ngày còn bé, tôi thường xuyên bị điểm thấp môn Toán, cô phạt đứng giữa lớp, thậm chí từng mắng nặng lời dù tôi viết Văn rất tốt, hay ít nhất tôi thích nó nên dành toàn bộ thời gian đầu tư, tôi học ngoại ngữ cũng nhanh hơn mọi người nhưng chưa từng nhận lấy một lời khen ngợi, động viên từ thầy cô, ngưỡng mộ từ bè bạn suốt bốn năm cấp 2. Tôi từng quẹt nước mắt than trách nền giáo dục VN bất công, ham thành tích khi ưu ái ba môn Tự Nhiên, bỏ mặc những bộ môn có ích, gầy dựng nhân cách con người như Văn-Sử-Địa, tôi từng bất mãn đến đòi chuyển trường, chán ghét đi học. Nhưng rồi nhận ra vùng vẫy tiêu cực đến đâu thì tôi vẫn là người chịu thiệt, xã hội rộng lớn không ưu ái đứa con bé nhỏ nào, chúng hoạt động theo xu hướng, theo nhận định lâu đời. Để được công nhận hay ít nhất được sống bình yên, ngoài tinh thần nỗ lực còn phải khéo léo nghiêng theo đúng chiều, vì cơ bản chẳng ai đủ mạnh để một tay chống trời, một cá thể dù xuất chúng đến đâu cũng chẳng thành công nổi khi đơn độc giữa đại chúng. Tôi không thích, chưa bao giờ thích, thi ĐH và bước vào ĐH ở Việt Nam bởi những sáo rỗng, những cũ kĩ chưa bao giờ được đấng tối cao dòm ngó, bởi những ngao ngán vì kiến thức dư thừa nhàm chán của kẻ đi trước. Nhưng tôi vẫn học đến kiệt sức năm 12 để thi vào trường ĐH khá có tiếng, vẫn duy trì điểm số và hoạt động ngoại khóa cho đến khi chính thức đi du học. Nhìn lại những cố gắng trước kia, tôi không giấu được tự hào, bởi tôi đã không nghiêng hẳn về các môn tự nhiên như gia đình và thầy cô vẫn ngày đêm hướng đến (tôi học tại THPT dân lập Nguyễn Khuyến, điều này giúp bạn hình dung rõ hơn về số phận những học sinh kiên quyết chọn khối xã hội), tôi dùng các môn xã hội để theo mục tiêu mang tính xu hướng chung là Đại Học.

Thành công mang bản sắc của mình bao giờ cũng lấp lánh.

Vấn đề ĐH ở đất nước tôi có lẽ sẽ mất rất lâu để cải thiện, suy nghĩ, cách lãnh đạo đâu dễ xoay chuyển trong một buổi chiều, trong vài năm ngắn ngủi. Nhưng trong thời gian đấy, một người biết suy nghĩ sẽ chọn con đường của mình để bước, con đường ấy tuyệt nhiên không biệt lập với xã hội, không phá cách đến mức dẫn đến sa mạc khô cằn mênh mông (trừ khi bạn đủ cứng cỏi, giỏi giang để nhận thức điều rực rỡ tiềm năng đang ẩn mình chờ đợi), nhưng lại mang bản sắc, hơi thở bản thân, để ít ra trên con đường ấy, bạn có điều để tự hào, để bám víu những ngày tăm tối, để mạnh mẽ đủ, đứng lên bắt đầu lại khi mọi thứ có vẻ ngổn ngang, sai lầm.

Tương tự với LGBT, con đường của các bạn chưa bao giờ nên biệt lập với xã hội này. Đừng xem mình mỏng manh yếu đuối, đừng tự gọi mình là giới tính thứ ba, đừng rầm rộ tổ chức kỉ niệm yêu nhau hay những chiến dịch mang tính phô trương quá thể, cũng đừng tỏ ra xúc phạm điên cuồng khi ai lỡ động đến các bạn. Ác cảm đồng tính về bản chất rất giống với cảnh tôi ngồi trước chén ngũ cốc mỗi sáng, ngán ngẩm vì khác văn hóa, ngược khẩu vị, lẽ ra phải là bát phở nóng ngon lành hay dĩa bánh ướt với vài miếng chả vàng ươm, đắm mình trong dòng nước mắm trong veo ngòn ngọt thơm thơm chứ. Thay đổi thói quen, quan điểm là một cuộc chiến dài hơi. Tôi vẫn giữ suy nghĩ ở đầu bài, điều người đồng tính cần thực hiện không phải một cuộc come out tập thể, hay những bài viết bi thương khổ sở, càng không nên những đám cưới rình rang hay biểu tình xuống đường đòi công bằng khắp chốn, những điều ấy vô tình khiến một số người không chấp nhận cảm thấy bội phần ác cảm, và có khả năng kéo theo những người vốn không định kiến - bởi nhìn đi, các bạn đang trẻ con mà phóng đại cái đau, cái éo le của bản thân lên mức cực đại. Trước hết hãy hòa nhập như một kẻ bình thường, cách ăn mặc, trang điểm gần gũi với những người các bạn thật sự mong ước được hòa nhập cùng. Sống thật vui vẻ, hạnh phúc và dễ gần, sống có ích và cống hiến một cách tự nhiên. Chẳng nhiều kẻ nỡ ghét một cô gái luôn cười vui vẻ, luôn vị tha nhân hậu lại thành đạt, có ích cho xã hội chỉ vì cô ta có giới tính dị biệt; chẳng đa số nào bỏ thời gian nói xấu sau lưng thằng nhóc lễ phép, chơi tốt với bạn bè, học hành chăm chỉ đầu ngõ chỉ vì nó có giọng nói hơi lạ và không thích chơi cùng con gái. Vốn dĩ cái tốt, cái đẹp sinh ra để được nâng niu, được đưa làm chuẩn mực, được ôm ấp thứ tha, chẳng mấy ai đành lòng hắt hủi nó quá lâu dù có giận, có vô cớ bực tức, có chướng tai gai mắt đến đâu, mà dù có đi nữa cũng chắc chắn có người nhảy vào bênh vực đến cùng, bởi như tôi nói, chẳng mấy ai đành lòng hắt hủi cái đẹp quá lâu...

Thị phi hơn, từ "sống thật" còn được lạm dụng trong rất nhiều trường hợp khi có người ngông nghênh chửi đời, chửi người, phát ngôn những điều hiếm ai nói ra. Điều đáng nói mục đích không hướng về làm giàu tri thức xã hội như những nhà văn phê bình nổi tiếng vẫn làm, đem tiếng chửi đời ngạo sâu sắc xã hội bấp bênh (Nam Cao), đem tiếng cười có phần thô tục mài dũa thành tấm gương phản ánh những tầng lớp phế thải (Vũ Trọng Phụng),... ngược lại, họ chửi đổng lên chỉ vì muốn "sống thật", muốn trải thẳng ruột gan cho thiên hạ ngắm nhìn, hay đơn giản chỉ nói cho thỏa thích. Trên đời này có những điều không cần thiết nói ra, bởi nó gây tổn thương cho kẻ đối diện hay hệ lụy xa xôi nào đấy, có vài điều không nên bàn tán qua lại, bởi nó không liên quan, thậm chí lâu dần trở thành thói quen tọc mạch rất xấu. Mỗi người có bí mật họ giữ trong lòng, mỗi xã hội có khía cạnh được che đậy kĩ lưỡng, đôi khi không nói ra để đánh đổi bình yên là lựa chọn của rất nhiều người, và tôi vẫn nghĩ là điều đúng. Chỉ khi nào lợi ích của việc nói lên suy nghĩ, ngóc ngánh ấy lớn hơn những tổn thương xã hội hay cụ thể hơn là động chạm tinh thần của kẻ liên quan thì vẫn còn chấp, nếu không, như tôi đã nói, tọc mạch rất xấu.
Và sau bao chuyện xảy ra, nổi bậc là vụ Bitches In Town, tôi quan ngại thật lòng trước hai từ "Sống thật", từ một phẩm chất ai cũng nên có dần trở thành đặc quyền được ca ngợi của một bộ phận, lí lẽ ngụy biện cho những kẻ lắm lời.
[JN]
 
 
 
 
 
 

Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016



You need a little talent and boundless ambition and energy to match. If you have those things, then a path will open up” – George Koizumi


George không mất quá một khung truyện để thông báo với người đọc mình là nhân vật trung tâm, với tạo hình lẫn thần thái nổi bậc bỏ xa những kẻ còn lại, kể cả nữ chính Yukari. Tác giả Yazawa Ai hẳn đã rất ưu ái George, khi dành hẳn cho anh đôi mắt lãng tử của Ren Honjo, dáng người sang trọng, quý phái hợp thời, làm say đắm bao thế hệ độc giả của Takumi đi cùng gu thời trang hài hòa, độc đáo đáng ngưỡng mộ, lấy cảm hứng từ chính khiếu thẩm mĩ tinh tế nơi mình.
Và những ưu tiên đó hoàn toàn xứng đáng, bởi nếu mỗi nhân vật được tạo ra dưới ngòi bút thanh đậm tuyệt đẹp của Yazawa-sensei đều mang cá tính đặc biệt chân thật, phản ánh toàn diện con người trong cuộc sống hiện đại với tình cảm phức tạp cùng suy tư đa chiều, thì George xuất hiện như một kẻ dị biệt : một người yêu nghệ thuật đến phi thật tế. Thiết kế quần áo với George Koizumi không chỉ đơn giản là đam mê, là thói quen hay tài năng thiên bẩm, nó gần như thuộc về máu thịt, là đại diện con người anh. Từng hoa văn, mỗi một màu vải nhuộm đều góp phần điểm xuyến chân dung một nghệ sĩ điềm đạm với đôi mắt cùng màu tóc xanh đẹp đến lặng người. Xuyên suốt 10 stages Paradise Kiss, George xuất hiện vốn không chút tì vết. Người đọc có thể đôi lần tiếc nuối tóc mái được cắt táo bạo của Yukari, trang phục rườm rà, rối mắt mà Miwako vẫn ưa khoác lên người hay đôi khi quá nhiều khuyên sắt trên gương mặt Arashi, nhưng tuyệt đối không thất vọng về George bao giờ. 

Tôi vẫn nghĩ đó chính là ý đồ nơi Yazawa-sensei, George có thể phạm nhiều sai lầm đáng nguyền rủa trong cuộc sống lẫn tình yêu, nhưng chắc chắn không ở lĩnh vực thời trang mà anh đang là kẻ vua chúa.



3011930


“He got me all worked up, but once the subject turned to clothing, he totally forgot about me”

“In the senior show at Yaza Arts, other students support the one chosen for his or her design. George is an honor student so of course he was chosen”

“As he painted my face, did my hair and dressed me up, George’s fingers were more full of love than anytime he embraces me. He seems quite happy…”



George cả đời chỉ yêu thương, tin tưởng và trung thành với một đối tượng, đó là tài năng nghệ thuật của mình. Câu đầu tiên anh nói khi bắt gặp hình thẻ của Yukari là "quả thật rất đẹp", như một cách cảm thán trước phong cảnh hữu tình hay vật thể hoàn mĩ, tuyệt nhiên không xen chút cảm xúc rung động nam nữ. Kể từ giây phút ấy, mọi hành động bao gồm tiếp cận trong thư viện, nhất quyết mời cô làm người mẫu Paradise Kiss, hôn nhau say đắm nơi bậc thang trước cửa xưởng đều nhằm mục đích thỏa mãn cái đẹp, cái tinh tế của George. Yukari đã đúng khi nhận định cô chẳng khác gì con búp bê mĩ miều được anh chọn khoác cho bộ váy áo kiều diễm nhất chỉ để ngắm nhìn. George say mê, quan tâm nâng niu cô, nhưng chưa bao giờ trên phương diện một người yêu đúng mực, cùng sẻ chia, cùng níu giữ lẫn nhau. Dẫu có bao nhiêu đêm ôm nhau không rời, có gắn kết về thể xác đến mức nào đi nữa, George Koizumi vẫn lì lợm đứng yên ở thế giới riêng mình, chưa một lần thử bước đến nắm lấy tay cô, chưa một lần xem cô quan trọng hơn mục tiêu trước mắt.

Tài năng của George được nhắc đến gần như mỗi trang sách, từ lời khẳng định chắc nịch nơi nhóm bạn Paradise Kiss đến những tình huống cao trào có sự góp mặt của Kaori. Một kẻ giàu có, sống lạnh lùng, ích kỉ như anh vẫn có được ủng hộ từ ba con người ấm áp, nhân ái là Miwako, Arashi, Izabella. Một kẻ ngáng đường, kiêu ngạo, thờ ơ với thành công như anh vẫn đủ khiến Kaori vốn chính chắn phải lo lắng đến bật khóc. Cái đẹp là cái cao quý, đúng vậy, George có thể xấu xa, vô trách nhiệm với người yêu, chơi đùa trên cảm xúc của Yukari thường xuyên tựa châm điếu thuốc mỗi ngày; George có thể coi nhẹ phấn đấu của Kaori mà sống nhởn nhơ, thậm chí đối xử với mẹ ruột bao lần trong lạnh nhạt ; nhưng tài năng thật sự nổi bật nơi anh vẫn đủ cảm hóa những kẻ tài giỏi khác, bao gồm Yukari. Họ bên cạnh George không một lời phán xét, cũng chẳng quan tâm anh sống lỗi thế nào. Chỉ cần George tiếp tục là chính mình, chỉ cần anh giữ vững phong độ, duy trì ngọn lửa thiên tài ấy, thì họ vẫn ngoan ngoãn lặng im chiêm ngưỡng, dõi theo bóng anh không biết chán như loài người vẫn hằng chờ đợi, ngắm nghía thứ ánh sáng đẹp mê hoặc từ ngàn vì sao ngoài kia. Cũng chính nguồn sáng đó đã chạm đến cô người mẫu đầy tố chất đang say ngủ bên trong Yukari, đánh thức nàng, cùng khiêu vũ trọn bản Valse dưới ánh đèn pha lê lộng lẫy.


Yukari yêu George hơn bất cứ ai xuất hiện bên đời anh. Và thật không công bằng nếu nói George không dành cho cô vị trí đặc biệt hơn búp bê trang trí. Cả đời bán mình vì nghệ thuật của anh từng bị ngắt quãng, khi George nhen nhúm chọn nghề trang điểm, làm tóc để trang trải cuộc sống độc lập sau này. Sự xuất hiện của cô đã khiến anh dứt mắt khỏi những bộ váy áo có thiết kế tinh tế phức tạp, rời nhung lụa lẫn giấc mơ nghệ thuật phù phiếm. Nhưng khi mọi thứ gần đến đích, tình yêu nơi cô vẫn không chiến thắng tài năng nghệ thuật mà George xem như tín ngưỡng. Đáng lẽ phải hiểu được rằng, nguyên nhân sâu xa George chọn theo nghiệp trang điểm phần lớn vì anh không muốn kiếm tiền dựa trên những mẫu thiết kế được anh lên đường nét kĩ càng bằng cả tâm hồn, cá tính của mình. Ngay ở phút George cao cả chọn sống khác đi vì Yukari, thì vô tình anh lại hi sinh cho nghệ thuật còn nhiều hơn thế.



George: Yukari has no ideas how important the presence of the muse is to a designer. Even though she’s a model, she’s still half a woman”
Isabella: You make women’s cloth yet you still don’t fully understand the women’s heart. You’re still half a man”



Phán xét George ở bất kì phương diện, tư cách nào ngoài người nghệ sĩ đều là mảng tối. Ở tư cách người yêu, anh thất bại thảm hại. Những trưởng thành, độc lập trong suy nghĩ của Yukari phần lớn do cô tự tìm lấy, George gần như không đóng góp nhiều hơn là nước mắt cùng lời nói phũ phàng. Những tình cảm mãnh liệt giữa hai người cũng chủ yếu do Yukari quá yêu thương, thần tượng anh, cô tìm mọi cách tha thứ, chấp nhận lẫn điên cuồng hơn vì George, lần nữa, anh chẳng làm gì hơn là gã đàn ông ích kỉ, chỉ biết bản thân. Nhưng, tất cả đều trở nên đầy sống động, hàm ơn khi nhìn George như một nghệ sĩ. Chính anh đã kiên nhẫn tô màu, biến đổi Yukari từ yếu đuối, đơn sắc, không mục đích sống thành cô người mẫu cá tính trên mọi mặt báo. Sẽ chẳng ai khác ngoài George làm được điều này, chẳng ai nhìn ra tiềm lực nơi Yukari và ma thuật biến hóa nó trở nên rực rỡ. Bởi trong con mắt kẻ làm nghệ thuật, tạo vật đẹp đẽ cần được nâng niu, được chỉnh chu hoàn hảo. George từ đầu đến cuối là một nghệ sĩ chân chính, một kẻ rất biết cách nâng niu cái đẹp đồng thời độc lập trong sáng tạo cá nhân. Ngay cả khi anh mỉm cười nhìn Yukari sải bước trong bộ váy xanh ngọc do mình thiết kế, tôi vẫn cảm nhận ánh mắt ấy chỉ chan chứa duy nhất một niềm tự hào về đứa con tinh thần, không hơn không kém.


“My monochrome world suddenly flooded with rich color. That’s what George’s presence meant to me. Even if our path don’t cross again, that alone will never change”

Cuối cùng rồi Yukari cũng nhìn George như một nghệ sĩ hơn là người yêu, qua đó dễ dàng chấp nhận anh sẽ ra đi mãi mãi. George không thuộc về nơi nào quanh đây, không phải vòng tay ấm nồng nơi cô, không phải xưởng thiết kế Paradise Kiss, càng chẳng thể là căn chung cư lộng lẫy anh sống từ thuở thiếu thời ; anh có thế giới rộng lớn của mình, nơi chỉ có kẻ dám từ bỏ, quay lưng với cả thế gian vì lí tưởng nghệ thuật có thể hiểu được, nơi anh thỏa sức bay bổng trong những mẫu hoa văn cầu kì cùng hàng ngàn thiết kế váy áo lộng lẫy, phức tạp đến hoàn mĩ. Yukari hiểu George quá, cô biết anh sẽ chẳng về, biết mình có đi cùng anh đến Paris cũng chỉ đứng ngoài ngắm nhìn anh trong vô vọng. Tính độc lập không phải điều duy nhất giam giữ George trong vũ trụ của riêng mình, chính tài năng thiên bẩm, độc đáo đã khiến anh cô đơn trên ngọn núi nhọn, không khao khát kẻ đồng hành, không chờ đợi người kề vai sát cánh.




tumblr_inline_mnul3nJ9yb1qz4rgp 



Phải chăng đó chính là điều đặc biệt nhất ở George so với Ren hay Takumi. Ren đam mê guitar những vẫn khó khăn chọn lựa giữa nó và cô người yêu Nana kiêu hãnh, Takumi vướng víu chằn chịt trong mối quan hệ thơ ấu cùng Reira, nhưng George thì không, bởi với anh một mình chưa khi nào là đáng sợ, chỉ có tài năng bị bán đấu giá, phí hoài mới đáng quan tâm. Và George đã không chọn Yukari, dù chỉ một lần, anh sẵn sàng bỏ lại cô phía sau cùng nỗi hoài niệm, nhung nhớ không nguôi để chạy theo nghệ thuật. Chúng ta quen trách móc George ích kỉ mà quên rằng, chính những nguyên tắc khắc khe ấy đã tạo nên thương hiệu của anh.



“The sound of your engine fading away. The sensation of the stiff passenger’s seat. The stifling scent of your cologne. Your warm body, your cold fingertips, your powerful gaze, your sweet, low voice calling out my name. I don’t care which, just leave one of them behind for me. There are plenty of couple who can swear they’ll love each other even when they’re apart. Why can’t we do the same?”


Một người như George với tôi, với Yukari, với tất cả cô gái độ tuổi trưởng thành … đều là giấc mơ tráng lệ, rực rỡ nhất trong đời. Nó phi thật tế nhưng cũng lộng lẫy đến mức chỉ nhìn thấy được khi chiêm bao. Khi tỉnh giấc, dư âm dư vị nó để lại đủ khiến tiếc nuối lâu dài. Cái đẹp thường khó nắm bắt, bởi nó chẳng thuộc về ai. Hương nước hoa vương vấn trên chiếc ghế bọc da đắt tiền, hơi thở nồng nàn, ánh nhìn sắt đá, giọng nói trầm ấm, trên hết là tâm hồn nghệ thuật ngàn năm có một, là bàn tay tạo nên những mẫu thiết kế mê hồn, tất cả đều mê hoặc đến mộng mị, như sương như khói, đến cả hòa mình còn khó khăn nói gì đến nắm bắt. Cái đẹp là để chiêm ngưỡng, để nâng niu, Yukari xem George như kì quan cuộc đời, cũng như George xem cô như biểu tượng nhan sắc duy nhất.

“It’s a comedy, but I’m sure I’ll cry”

Chợt tôi nhớ Nana cũng từng ngước nhìn bầu trời tuyết rơi, mỉm cười tự nhủ:
Mãi sau này, mỗi lần nhìn những gì lấp lánh, tôi lại nghĩ đến Ren


Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Even seasons change






More from my Facebook

Ngày còn bé, một thay đổi nhỏ cũng đủ khiến tôi xuống tinh thần. Ví như hơn mười năm trước, có con mèo trắng, lông mượt như nhung ngày nào cũng trèo rào sang nhà tôi ăn cơm thừa, sau vài tuần không thấy chợt tôi nghe buồn dâng lửng lơ. Rồi ngày cuối cùng của cấp một, tôi vui vẻ cùng bạn bè đang nước mắt ngắn dài, chạy ùa ra cây phượng đỏ sau trường nhặt hoa, ép chặt nơi quyển sổ nhỏ. Tuy không khóc giọt nào nhưng niềm thương, nỗi buồn luyến tiếc đến ngẩn ngơ vẫn đeo đuổi tôi suốt hai năm lớp Sáu, lớp Bảy. Tôi vẫn nhớ mình chẳng thiết kết bạn cùng ai, nhìn đâu cũng thấy xa lạ, quanh quẩn giờ ra chơi cùng đứa bạn thân từ lớp một, chuyện trò đủ thứ trên đời. Cứ ngỡ tôi sẽ mãi đứng ngoài, nhìn thế giới liên tục đổi thay, nhưng không, năm lớp Tám tôi vô tình tìm được nhóm bạn cùng lớp hợp ý. Nghĩ cũng buồn cười, nếu như thích nghi được tính bằng ngày, bằng tháng với mọi người, thì tôi phải dùng đơn vị "năm". Có thể do tính tôi chậm chạp, cố hữu, nhưng dám chắc ai cũng từng như thế, cũng cảm thấy man mác trống vắng khi một điều quen thuộc dần rời xa.

Lẽ đương nhiên tôi chỉ ở bên nhóm bạn đó được 2 năm. Cấp Ba tiếp tục trườn đến, thực hiện cuộc đổi "cách mạng" lớn thứ hai trong đời. Lần này tôi chuyển hẳn đến thành phố khác, học hệ chuyên trái ngược với mơ ước, xa gia đình, bạn bè thân quen. Tôi đã rất buồn suốt những chuyến xe mờ sáng mỗi đầu tuần từ nhà lên trường, e dè nhìn bè bạn trò chuyện, mọi nỗ lực xen vào chẳng đến đâu. Khả năng viết lách của tôi tiến xa nhất có lẽ vào giai đoạn này, khi chỉ còn biết đọc sách và ngoáy bút để khỏa lấp nỗi trống vắng, lạc lõng. Nhưng rồi với tuổi đời và kinh nghiệm một lần bị biệt lập, tôi tạo ra phép màu khi trở thành một phần, dù nhỏ nhắn và ít được quan tâm, của xã hội đó chỉ sau năm đầu tiên. Niềm vui lên đến đỉnh điểm khi vào năm 12, trường tôi quyết định luyện thi thêm khối D (Toán Văn Anh ) tập hợp những học sinh có tư chất y hệt tôi vào cùng một lớp. Hơn 40 con người chúng tôi đã rất yêu thương, hiểu biết, chia sẻ mọi điều cùng nhau trong hơn chín tháng ngắn ngủi ấy. Và cũng rất tự nhiên, ngưỡng cửa Đại Học đến như một bông bồ công anh khổng lồ, mà chúng tôi chính là những nhành hoa nhẹ hẫng nhỏ bé, gió thổi mỗi người bay một nơi, xa xăm, đầy háo hức. 

 

Đấy không phải lần đầu tôi đối diện với xa cách, nhưng rõ ràng nó thấm thía hơn, bởi càng lớn con người càng sâu sắc, những kỉ niệm nhờ đó trở nên đáng trân trọng. Lớp 12 của tôi hiện tại chỉ còn vài thành viên thường xuyên gặp nhau, tất cả đều chấp nhận sự thật về dòng chuyển động của cuộc sống, về thời gian ăn mòn, về đổi thay,... với thái độ điềm nhiên trưởng thành. Tôi đi du học, lọt thỏm nơi thành phố hiện đại văn minh cùng lối sống độc lập, dứt khoác của Tây phương, chuyện thay đổi, chuyển mình gần như xảy ra mỗi khắc. Nhiều lúc vô tình đọc status nhỏ bạn ở quê nhà viết cho đứa bạn cùng phòng vừa chuyển đi với giọng thiu, chợt nhớ trong gần hai tháng trở lại đây, tôi đã phải nói lời chia tay với hơn bốn đứa thân thiết cùng nhà trọ, và từ khi nào cảm giác người đi người đến với tôi quá vô trọng lượng đến thế.

Người yêu cũ ngồi trước mặt, mỉm cười buồn nói: "Anh làm thêm ở quán coffee trước kia chúng mình ưa thích, nhưng nó thay đổi nhiều lắm". Tôi chẳng biết nên bày tỏ cảm xúc thế nào, nếu là con bé trước kia quen anh, hẳn có thể viết sớ an ủi dài hai trang A4, nhưng không, tôi chỉ đánh cạch li trà màu hồng nhạt còn bốc khói, ngước mắt nhìn anh, nhún vai: "Em quen rồi, đâu có điều gì ở bên mình mãi". 

Trong tâm trí tôi khi ấy, lần lượt tua đen trắng hình ảnh con bé khép kín nơi góc trường cấp hai, rón rén sợ hãi khi đưa ý kiến giữa lớp mười một đầy âm thanh, ánh sáng, mỉm cười hạnh phúc vô tư năm cuối trên ghế học sinh, xót xa nhìn bạn bè dần trôi dạt khỏi bến bờ kí ức, đau đớn khóc khi anh thay lòng, rồi cuối cùng, mạnh mẽ kéo chiếc vali vào khu nhập cảnh sân bay, biết rằng cuộc đời sắp thay đổi ở rất nhiều phương diện, mãi mãi.

Trưởng thành rồi tôi dần hiểu, những chuyển biến trong cuộc sống, bao gồm tan vỡ tình cảm, chia li gia đình, đổi thay vật chất,... đều là một phần của dòng chuyển động tự nhiên mà ai cũng phải (nên) trải qua hàng ngàn lần trong đời. Có những thay đổi chỉ đủ rung cảm xúc, nhưng cũng có nhiều đổi thay quá đột ngột, mạnh mẽ đến mức bào mòn ý chí, lòng tin con người. Việc lựa chọn giữa thích nghi và kiên định, thậm chí biến chúng thành niềm vui, cơ hội hay sâu sắc hơn thành kinh nghiệm để đời là điều phi thường mà chỉ có những kẻ đủ can đảm nhìn nhận đổi thay có thể làm được.


[JN]

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Yêu là để thương

[More from my wordpress: phuongquynhwholeworld.wordpress.com]

Có quá nhiều lí do để một ngày tháng bảy đẹp trời, tôi cắt đứt mọi liên lạc với anh cùng câu tự nhủ "Cuộc đời này quá ngắn để thứ tha tội lỗi quá dài cùng vết thương quá sâu". Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ quyết định ấy đúng; về mặt khách quan, tất cả bạn bè, người thân đều ủng hộ nhiệt tình; xét chủ quan, tôi thật lòng muốn thế, đơn giản ngoài người yêu anh, tôi không khao khát danh xưng nào nữa, đơn giản tôi giận anh có lí do chính đáng.

Như một cách nhắc nhở, tôi nhấn mạnh ba chữ "không thứ tha" với bất cứ ai nhắc đến anh, tôi tôn sùng cách sống lạnh nhạt với người cũ, gật đầu không đắn đo khi cô bạn cùng lớp tâm sự sẽ chẳng nhìn mặt anh người yêu trước đây, tán thưởng những bài viết thể hiện cá tính mạnh mẽ, một đi không ngoảnh mặt xót thương của người con gái hậu chia tay,... những điều nhan nhản ấy phần nào khiến tôi tin rằng tình yêu đắm đuối, chân thật một thời có thể được cắt đứt, xóa sạch tuyệt đối bởi ý chí, bởi thời gian, bởi sự lạnh lùng, cứng rắn.

Cho đến ngày tôi bắt đầu nghĩ "hay là gặp lại anh".

Tất cả bắt đầu khi anh chợt nhắn tin cho tôi. Bằng thái độ đanh thép lạnh nhạt cố hữu, tôi trả lời ngắn nhưng sặc mùi phũ phàng cởi bỏ. Cảm giác hả hê, kiêu hãnh như những nàng chân dài xinh đẹp sải bước trong bộ váy áo tôn dáng đắt tiền nơi Sài Gòn lên đèn, như kẻ chiến thắng vung gươm, ngoảnh mặt nhếch mép, không bận tâm kẻ thù bại trận bên vũng máu đỏ tươi cùng vết thương khó hàn gắn. Cuộc đối thoại trôi qua, nhiều phút, tôi chưa một lần cúi đầu băn khoăn.

Và anh nói: "Tôi không mong em tha thứ cho tôi, bởi tôi chưa bao giờ thứ tha cho mình"

Tôi nhớ mình đã phá lên cười, đoạn chọn lệnh xóa hội thoại như một dấu chấm gọn gàng, một màn chào hỏi hợp lí, một mảnh ghép hình vừa in cho hình ảnh tôi mới toanh trong tâm trí anh. Đêm đó tôi ngủ ngon, thẳng giấc trong niềm tự tôn tuyệt đối, để rồi nhiều ngày sau tôi nhận ra, mình đã sai. Có thể theo những bài viết nữ quyền trên mạng, có thể theo triết lí tôi theo đuổi bao lâu, tôi vẫn đúng rực rỡ, nhưng với lương tri tình cảm của mình, tôi sai bét ra rồi.

Tôi vừa làm gì thế này, trực tiếp tổn thương người tôi từng yêu?

Rồi như một đứa mộng du, tôi hẹn gặp anh và cuộc trò chuyện đêm đó chỉ còn tiếng cười và sự nhẹ nhõm. Khoảnh khắc ấy, tôi chỉ muốn đem lại niềm thanh thản cho anh. Nếu như tôi sống hai năm trời trong hờn giận, phải tìm đến bản tính tự lập, lạnh lùng như một liều thuốc phiện ma mị, vực dậy bản thân khỏi thời kì tụt dốc không phanh; thì anh cũng có ngần ấy thời gian chìm đắm trong tội lỗi, bởi dẫu kết thúc đau thương thế nào, tôi cũng từng là người thân của anh, là thế giới anh ôm ấp trong tay. Để rồi sau tất cả, tôi hiểu được tình yêu thật sự là thứ tha. 


the-longest-of-rides-the-best-of-sparks-489824.jpg


Tôi đã cả gan dùng "tình yêu thật sự" khi chẳng định nghĩa nổi nó bằng câu chữ. Chỉ biết điều thiêng liêng, tốt đẹp từng tồn tại, dìu dắt hai đứa tôi suốt quãng đường khó khăn là tình yêu thật sự. Bởi tôi và anh, kẻ thì ngu muội lượm lặt mảnh kí ức vỡ tan đến rướm máu bàn tay rồi trở nên chai sạn, đứa chỉ biết bất động nhìn người từng dành nụ cười tươi tắn nhất cho mình đi khuất tầm mắt, nhưng chưa bao giờ thật sự căm ghét nhau. Chỉ cần biết đứa kia tổn thương, dù ở tư cách nào, đứa này vẫn khát khao được an ủi. Bởi chúng tôi yêu nhau say đắm ngay khi chẳng có gì khá khẩm trong tay, cũng như tôi vẫn châm chọc gọi anh là "tuổi thanh xuân" của mình, một 'tuổi thanh xuân' hoang sơ, giản đơn nhưng thu hút, quyến rũ. Bởi anh vẫn dõi theo tôi, nhớ số chai bia tôi có thể nốc cạn trước khi nằm vật trên lưng anh như mùa hè năm ấy, bởi tôi vẫn ủng hộ anh, ngay cả khi anh thảm hại hơn cả ngày chúng tôi thi Đại học. Tất cả những hồi ức đẹp đẽ ở quá khứ, lẫn sự tôn trọng, thuần quý mến ở hiện tại, đã khiến cả tôi và anh đều rộng lòng thứ tha.

Tôi thứ tha anh đã để mắt người con gái khác. Anh tha thứ cho tôi - người ích kỉ đẩy tình cảm vốn bền vững, trong trẻo vào bế tắc. Tôi thứ tha cho anh trong việc giấu diếm mối quan hệ với cô ấy. Anh gật đầu bỏ qua cho tôi, chấp nhận những lời lẽ không mắt, không tim, lạnh lùng bén ngọt được ném vào anh hôm ấy. Ngày nhỏ, tôi biết tình yêu có sức mạnh dẫn đường chỉ lối, hàn gắn vết thương, làm nên kì tích, phép màu khi đọc Harry Potter. Lớn lên, bằng những trải nghiệm sần sùi thô ráp, tôi hiểu hơn tình yêu sẽ hóa giải hiềm khích, làm mềm lòng tự tôn, thậm chí phục hồi giá trị một kí ức, hoàn thiện, tốt đẹp hóa một con người.

Đơn giản, tôi thứ tha cho anh vì lí do chính đáng.
Tôi không thể làm tổn thương chính mình, bởi hành động sát phạt người tôi từng thương.

[JN]



Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

[More from my wordpress]

“Cuốn Theo Chiều Gió” ra đời như một hiện tượng văn học lịch sử hiện đại vào năm thứ ba mươi sáu của thế kỉ XX, đưa tên tuổi của nhà văn Mỹ vô danh Margarett Mitchell lên tầm thế giới. Vỏn vẹn ba năm sau lần xuất bản đầu tiên, khi người đời vẫn chưa kịp lau giọt nước mắt tiếc nuối hòa cùng nỗi đau chiến tranh được khắc họa sắc nét trong tuyệt tác duy nhất của Margarett Mitchell, bộ phim nhựa cùng tên ra đời, áp đảo lễ trao giải danh giá nhất hành tinh Academy Awards (Oscar) với tổng cộng 10 chiến thắng trên 13 đề cử. Những thành công về nội dung cũng như giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mà Cuốn Theo Chiều Gió để lại cho nền văn học thế giới được truyền tải qua nhiều tuyến nhân vật và sự kiện được xây dựng đa dạng nhưng hợp lí. Hiện lên rõ nét giữa bức tranh xám màu khói lửa bom đạn, bên cạnh nàng Scarlett kiều diễm, bướng bỉnh nhưng can trường đáng thèm khát của hạt Tara chỉ có duy nhất một Rhett Butler – kẻ phản diện trên mọi mặt trận, tên đồ tể của giới quý tộc, gã thuyền trưởng ích kỉ, tột cùng khó đoán của dân chúng miền Nam khi ngang nhiên thỏa hiệp giao dịch với miền Bắc và nỗi ám ảnh đau đáu, tình yêu được ghi nhận muộn màng của nàng Scarlett cao ngạo, vốn chưa từng biết nhỏ lệ khuất phục bất cứ thằng đàn ông nào – và kì lạ thay khi gã trai đê tiện này đủ sức cuốn hút lôi kéo tôi, cùng hàng ngàn độc giả khác, nhấm nháp Cuốn Theo Chiều Gió đủ nhiều để cảm thông, để đồng minh tuyệt đối với hắn.



Annex-Leigh-Vivien-Gone-With-t-3052-2927-1391833062

 Rhett Butler bị trục xuất khỏi quê hương Charleston sau vụ bê bối qua đêm nhưng không hỏi cưới một cô gái, đồng thời sẵn tay hạ gục người anh trai trong một cuộc đấu súng đòi lại công bằng. Hắn nổi bậc trong dàn nhân vật của Cuốn Theo Chiều Gió với phong thái chính chắn từng trải khác hẳn hai anh em sinh đôi nhà Harleton, dáng người to cao, vạm vỡ, “quá nhiều bắp thịt cho một quý tộc” theo lời nhận xét ban đầu của Scarlett, ánh mắt đen sắc lẻm, lạnh lẽo cùng hàm răng trắng toát, ria mép tỉa sát dữ tợn như một tướng cướp. Tất cả tạo nên vẻ ngoài táo bạo, đầy soi mói, thô thiển đầy ác cảm so với kị sĩ Ashley nhã nhặn, yêu văn thơ, đắm chìm trong nghệ thuật cũng những lời tán thưởng êm ru mà Scarlett hằng hướng đến. Tuy căm ghét, kinh tởm đến thế, nhưng Scarlett chưa khi nào phủ nhận vẻ thán phục ngầm dành cho một Rhett đã đi lên, giàu có vẻ vang từ hai bàn tay trắng. Nàng cũng nhiều lần gật gù cho rằng hắn có lí (dù không đồng tình), rằng miền Nam vẫn quá thiếu hụt, ảo tưởng lợi thế trước chiến tranh so với miền Bắc cùng bọn Yankee đầy nhà máy và súng ống. Nàng không ngần ngại tựa vào hắn như đặt bờ lưng mỏi mệt lên chiếc giường êm ái vững chãi,  như một mái nhà bình yên mà nàng vô tình chôn vùi dưới những hào nhoáng, bề ngoài không có thật. Hình ảnh Rhett được khắc họa qua cái nhìn của Scarlett qua từng thời kì, và phải chăng vì thế, hắn từ sừng sững bất cần trở nên quỳ mọp khốn khổ dưới đôi chân trắng ngần của Scarlett, rồi lại lạnh lùng hơn cũ. Phải chăng góc nhìn từ đôi mắt vô tâm, không lay động, không chịu thức tỉnh của Scarlett khiến người đọc xót xa, nóng vội thay cho gã đàn ông luôn che chở nàng, luôn trân quý nàng, chỉ để đánh đổi ngày dài tháng rộng chứng kiến người mình yêu mộng tưởng hão huyền về gã đàn ông yếu đuối, nhạt nhòa, chẳng mảnh may để ý đến ai ngoài cô vợ Melanie xanh xao, nhân hậu của hắn.

Scarlett O’Hara xuất hiện ngay dòng đầu cuốn tiểu thuyết gần 1000 trang, như khẳng định vai trò chính yếu lẫn tố chất đặc biệt làm nên mọi điểm nhấn nơi 999 trang sách còn lại. Nàng đẹp rất hợp thời với làn da trắng, mọi đường nét kiều diễm thừa hưởng từ người cha Ái Nhĩ Lan và bà mẹ Ellen quí tộc Pháp. Sở hữu bờ ngực tròn trịa cùng vòng eo thon thả 45cm khó ai sánh kịp, hình ảnh cô thiếu nữ mười sáu có đôi mắt tinh nghịch biết nổi loạn dưới chiều tàn vương nắng nơi miền quê Nam Mỹ đã vô tình phần nào rót lửa vào cái tên đỏ rực ấy. Nàng Scarlett lớn lên trong chiều chuộng của gia đình giàu có, trong giáo dưỡng lễ nghi của người vú già da đen đầy kinh nghiệm, song tư tưởng tiểu thư ngoan hiền, e ấp kiêng dè trước nỗi đau, yếu đuối xem đàn ông như cây tùng, cây bách dường như không tồn tại trong quan điểm sống cô gái cả nhà O’Hara. Trong mắt nhiều người, Scarlett quả xứng danh một ả đáng dè chừng: nàng tỉnh rụi cưới Charlie, dửng dưng với con đầu lòng chỉ vì muốn che lấp tình cảm cho Ashley Wilkes đồng thời đánh đòn đau nơi Honey và Melanie, nàng phù phiếm và đong đưa rất khó chấp nhận trong xã hội lễ nghi làm trọng, nàng sẵn sàng mê hoặc chồng của em gái, thậm chí đến với Rhett ban đầu cũng vì hào nhoáng, tiền bạc. Nhưng rõ ràng trong mắt gã rành đời, từng trải và si tình cỡ Rhett Butler, Scarlett đơn giản là một đứa con nít tham lam và đầy lòng vị kỉ, biết nổi loạn nhưng vẫn chưa thật sự trưởng thành, điều này minh chứng qua tình yêu vô vọng, quá đỗi hão huyền nơi nàng và Ashley. Về phần Rhett, trái ngược cho hành động chối bỏ người con gái từng qua đêm với mình tại quê hương, đành lòng bắn chết anh trai cô ta trong cuộc đấu súng, hắn năm lần bảy lượt dang tay cứu lấy, ôm ấp, vỗ về Scarlett như che chở sinh vật đáng trân trọng duy nhất của thế gian. Tôi vẫn nhớ khẩu súng Rhett đặt vào tay Scarlett ngày tạm xa cô trước ngã rẽ nơi Tara bùng cháy khốc liệt, hắn vẫn kịp bông đùa thiếu tế nhị trước khi ôm ghì nàng thì thầm tiếng yêu giữa tình thế nguy hiểm dồn dập. Tận trong thâm tâm hắn mong được bảo vệ nàng ngay khi không còn bên, mong nàng mạnh mẽ, an yên với vũ khí trong tay như điểm tựa, dẫu tất cả nàng nghĩ về chỉ là Ashley. Hắn ấp ôm, nâng niu, lo lắng cho vận mệnh nàng như số phận chính mình, xuất hiện bên nàng đúng lúc như kẻ cứu rỗi, sẵn lòng buông lỏng vòng tay, chìm đắm trong đau khổ nhìn nàng sống hết sức xuân như người cha vị tha bậc nhất.


Vivien-Leigh-Gone-With-the-Wind-1939


Scarlett sẽ vẫn là nàng, vẫn vị kỉ và thủ đoạn, vẫn mạnh mẽ đứng vững vàng bảo vệ mảnh đất quê hương, vẫn thừa hưởng nét đẹp quý phái Pháp tộc cùng dòng máu lửa nơi người cha thẳng thắn. Không có Rhett trong đời nàng vẫn quyến rũ hàng ngàn đàn ông, đạp lên họ để nhấc mái đầu kiêu hãnh khỏi bùn lầy. Nhưng chính bàn tay cứng rắn âu yếm của Rhett đã dặm nét đằm thắm trưởng thành thuộc về một người đàn bà tháo vác lên khuôn mặt trẻ con, bướng bỉnh của Scarlett, điều mà cả hai cuộc hôn nhân trước kia đều thất bại. Chỉ tiếc rằng nếu như Rhett xác định được ngay Scarlett là bóng hồng duy nhất của cuộc đời, là kẻ “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”, là tri kỉ mà kẻ ngang tàng, giỏi giang, phong lưu như hắn vẫn ngày đêm tìm kiếm, nếu như Rhett luôn để mắt đến cô gái căng tràn sức sống cùng đôi mắt mở to thách thức nơi dã yến tại Twelve Oaks ngày nào, nếu như gã mất dạy ấy đã đứng hồn hoàn toàn vào ngày Scarlett thổ lộ thất bại trước Ashley và ném mạnh lọ hoa đầy giận dữ về phía tràng kỉ – thì cô tiểu thư lớn nhà O’Hara đã mất quá nhiều thời gian nhận ra mình yêu gã thô bạo ấy biết chừng nào, hơn cả khao khát sự tự do và mái nhà hắn dâng nàng bằng hai bàn tay rắn chắc to lớn, hơn cả tiền bạc lẫn sự chiều chuộng vô bờ. Nàng yêu tính thật tế, nét mạnh mẽ, bản lĩnh tự lập hiện rõ trên từng thớ thịt nàng từng cho là dư thừa, từng ánh mắt nàng mặc định đầy vẻ soi mói, thất lễ.
Scarlett, có nhớ khoảnh khắc gục ngã sau tháng ngày dài gánh vác Tara loạn lạc, nàng từng yêu cầu Ashley hãy giải thoát bằng cách đưa nàng khỏi đây, cởi trói cho nàng khỏi trách nhiệm nặng nề dang dở, Ashley đã khước từ. Đương nhiên rồi cô Katie Scarlett O’Hara, chỉ có gã hèn bị chối bỏ bởi dòng tộc, trưởng thành trong chỉ trích Rhett Butler mới đủ liều lĩnh, khí khái và tình yêu với em để nhấc bổng em chạy thật xa về nơi Tara nghèo đói ngay khi cả hai đang yên bình, sung túc tại New Orleans. Em vẫn mê đắm Ashley và phũ phàng trước tình cảm của hắn – người bất chấp bom đạn điên rồ, đánh xe đưa em về quê hương, trao cho em cả vật chất và sự quan tâm không bến không bờ. Nhiệm vụ của em, cứ hững hờ là nàng Scarlett cố chấp, mạnh mẽ, ích kỉ đầy dụng lợi, bám theo hắn, ôm trọn tiền bạc, quyền lực nơi hắn, cốt để hắn say men suốt đời, đúng không em?
Sẽ chẳng có ai thương nàng như Rhett Butler, đến bên và bảo vệ nàng như cây to bóng cả, cuồng nhiệt đến yếu mềm điên dại khi lỡ tay làm đau nàng, khổ sở trước cư xử nóng nảy, trẻ con nơi Scarlett nhưng vẫn săn đón nàng không xấu hổ, và cũng rời nàng theo cách lạnh lùng, tàn nhẫn nhất, đủ khiến con ngựa hoang đẹp đẽ ấy phải tiếc nuối suốt đời. Khoảnh khắc Rhett đấu giá 150 đồng vàng để được khiêu vũ với cô góa phụ đang kiêng khem đủ điều Scarlett luôn sáng chói rực rỡ, hắn lúc này tựa hồ kẻ cướp ngục tự tin, vung kiếm chặt gãy mọi lễ giáo, phong tục giam cầm người phụ nữ hắn yêu khỏi mơ ước được tung bay trên sàn nhảy. Rhett nhìn thấu Scarlett, từ đôi mắt lấp lánh thèm khát vũ hội đến điệu bộ đứng ngồi không yên ra vẻ đoan trang của nàng, hắn sẵn sàng giải thoát cho nàng, sẵn sàng làm hư nàng, ngước nhìn con ngựa hoang ấy bay nhảy tự do thoát khỏi những ràng buộc không đáng có.

“Ông độc ác lắm nhất là với cái lối châm biếm đức hạnh”
“Đức hạnh là cái quái gì? Cô có sợ bị họ dị nghị không?”

Một người đàn ông trưởng thành là thế, đủ khả năng tạo dựng thế giới bao bọc người con gái họ thương, như cái cách gã đàn ông vô học, bị khai trừ khỏi giới quyền tước Rhett Butler chiều chuộng, âu yếm cô tiểu thư đồn điền phóng khoáng, thông minh nhưng tàn nhẫn, như nỗ lực giúp đỡ mang đầy tính giải quyết và hiệu quả ngày Scarlett sụp đổ trước cái chết của mẹ, sự loạn trí của cha và nông trại đất đai trên bờ vực bị tàn phá. Nội chiến diễn ra kéo theo bao đau thương, nhưng có vẻ Rhett chỉ thật sự mặn mà với vấn đề nhân đạo khi cuộc chiến chạm đến Scarlett, trước kia hắn sẵn sàng công khai không ủng hộ miền nào, thậm chí lợi dụng tính mong manh và lòng tham con người của hai bên nhằm tích cóp tài sản, làm giàu cá nhân, thế nhưng con người ấy biết thương cho những hoang tàn, biết trách chiến tranh chỉ khi nhìn gia đình Scarlett đối diện mất mát. Rhett đồ tể, không ngại mạnh tay, bạo lực với bất kì ai lại nâng niu đến nhu nhược, đáng thương đứa con gái mang nét đẹp của Scarlett. Gã đàn ông từng bất mãn dòng tộc, một mình lập dựng sản nghiệp lại xem gia đình có Scarlett như tài sản quý báu vô cùng. Thời gian mài dũa, tôi luyện cho Rhett tất cả, sự quản giao rộng rãi cho hắn kinh nghiệm lẫn tự tin, hắn không dại thay đổi cho vừa lòng Scarlett. Chỉ là sự xuất hiện của nàng khỏa lấp nỗi thèm khát trong con người tưởng chừng được cấu thành bởi vách đá dựng, chỉ là Rhett thật lòng xem nàng như ý trung nhân, như gia đình, tất cả khiến hắn mềm ra dưới đôi mắt xanh ngang bướng, dưới cá tính mạnh mẽ vắng bóng vị tha mà hắn sẽ mãi đem lòng mê đắm. Còn nàng thì sao Scarlett? Nàng vẫn đắm mình trong cái bóng nguội lạnh đầy hoa nhã của Ashley, của tình đầu, của những cảm xúc trong veo thời bình lặng. Do chiến tranh tàn khốc khiến nàng thèm khát an yên, hay vì Ashley là kẻ duy nhất không khuất phục dưới gót chân yêu kiều ấy? Rhett điên cuồng cho Scarlett bao nhiêu, thì cũng đau đớn vì nàng bấy nhiêu, có lẽ vì vậy, hắn rời nàng đầy bình thản, vẫn cách cư xử của một quý ông ngang tàng ngày hắn đến, vẫn vững vàng như bức tường sừng sững ngày che chở cho nàng và con, hắn bước đi, thản hoặc như trời mai sẽ sáng, như mùa thu lá tất vàng, ngay cả khi Scarlett vứt mọi tự trọng, hão huyền để thổ lộ, cùng đoạn thoại nổi tiếng:

gone-with-the-wind-3-1804-1391833062

“Nhưng em yêu anh”
“Đó là bất hạnh của em”
“Anh thân yêu, em biết làm gì khi anh đi?”
“ Nói thật nhé, em yêu, anh đếch quan tâm”
(Scarlett: Rhett… if you go, where shall I go, what shall I do?
Rhett Butler: Frankly, my dear, I don’t give a damn)

Rhett đệm từ em yêu (my dear) một cách dịu dàng và tự nhiên, như thể hắn vẫn yêu thương, quý trọng, đam mê cuồng nhiệt Scarlett như ngày đầu. Cuối cùng, hắn vẫn không quan tâm đến những lời bộc lộ nơi người vợ hắn từng mất sức tước đoạt, bởi trong tầm nhận định của một thằng đàn ông trưởng thành và hiểu biết, hắn đồng tình với bản thân rằng đến lúc phải ra đi, đến lúc thôi hết đi những cố gắng dông dài lẫn sự bao bọc to lớn. Tôi vẫn nghĩ không vô tình đâu, khi Rhett chỉ quay đi vào khoảnh khắc Scarlett đủ mạnh mẽ và ổn định với cuộc đời ngổn ngang do chiến tranh và những quyết định táo bạo. Hắn có thể cắt ngang mọi thứ từ lâu lắm rồi, từ những tháng ngày Scarlett từ chối ân ái, trơ tráo thừa nhận tình yêu với Ashley ngay trên cương vị bà Butler đến những vô tâm, ghen tuông cô thể hiện dù đã làm mẹ, từ những hờ hững cô đặt giữa hai người, nhưng không, Rhett đã chờ đến cuối cùng, đến ngày Scarlett vững vàng đón mặt trời lên, thậm chí chờ luôn đến khoảnh khắc Scarlett sắp có được Ashley, sẵn sàng sống cuộc đời không có hắn như câu nói chủ đạo sau câu chuyện dài:

“Sau tất cả, ngày mai sẽ khác”
“After all, tomorrow is another day”

MCDGOWI EC004
GONE WITH THE WIND, Clark Gable, Vivien Leigh, 1939

Về phía tôi, cái kết này đẹp tráng lệ và đầy hi vọng. Ánh mặt trời bình minh soi lên một Scarlett kiên cường, cô tiểu thư vô lo ở trang đầu đã thật sự lớn lên, với âm hưởng, dấu chân thời gian in trên khuôn mặt nhiều ấn tượng. Scarlett vốn cá tính, mạnh mẽ từ nhỏ, cô khác hẳn những tiểu thư khép nép, ai cũng công nhận điều này, lắm kẻ si mê nàng chỉ vì đó. Nhưng nếu Rhett không đến bên và thổi làn khí của bụi đời, của thật tế tàn nhẫn, của yêu đương cuồng nhiệt, nàng sẽ không cuốn hút đến ngạt thở, không trưởng thành đủ để gánh vác gọn ghẽ mọi tàn dư, không quyến rũ đủ để sáng chói dưới ánh nắng ngày mới. Chẳng bản tính nào trong Scarlett mất đi, nàng quyết tâm sẽ tìm lại Rhett và tôi luôn tin, với vẻ đẹp khiêu gợi cùng tài quyến rũ bất cứ chàng trai nào, Rhett chắc chắn không thoát, và với gã dị biệt không đoán trước nổi điều gì, tôi chẳng tin hắn thèm chống cự ngọn lửa của đời mình nữa.


[JN]

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015






 Thế nào nhỉ, 2 đêm trước mình vừa đi concert của Helloween tại Sydney, một rock band rất nổi tiếng của Đức. Cũng như bao người khác kiên nhẫn xếp hàng trước nhà hát chờ đợi, mình hồi hộp, háo hức đến tột cùng, thậm chí còn nhón chân dợm nhảy, nhẩm lại vài bài quen thuộc. Nhưng rồi khoảnh khắc guitarist Sascha Gerstner cùng cây guitar trắng quen thuộc bước lên stage, bắt đầu solo, mình bỗng giật mình rồi chợt muốn khóc, những bài hát trôi tuột mãi tận đâu, chỉ có đôi mắt không thể rời tay guitar ấy, để rồi bật khóc nhận ra: đây là lần đầu thấy Sascha dong dỏng1m9 trên sân khấu chỉ cách vài gang tay, đây là lần đầu sau ngần ấy năm mình nhớ Ren Honjo đến vậy.

   Mình sẽ không bao giờ quên đã yêu mến Ren đến thế nào, hơn tất cả nhân vật trong Nana dù đây là bộ manga mình không nỡ hắt hủi ai. Mình cũng không quên ngày Ren mất, gói gọn trong 2 chap truyện một sự thật chẳng ai dám ngờ đến, lúc ấy với mình, cũng như Nana, thời gian đã thật sự ngưng trôi. Ren vẫn chưa xong nhiệm vụ của mình, chưa kịp thực hiện ước vọng gần như duy nhất và xuyên suốt, quan trọng hơn cả, Nana sẽ ra sao nếu anh không còn nữa? Nana mạnh mẽ nhưng ẩn trong từng suy nghĩ dứt khoác, từng quyết định táo bạo, từng lời nói cứng cỏi đều có hình ảnh anh, cảm giác như cô cố gắng hoàn thiện, quật cường từng ngày là vì Ren vậy. Tất cả điều đó vẽ nên bức tranh bướng bỉnh đến đau thương.



"Ren đã ra đi. Cái tương lai mà chúng tôi đang hướng đến bỗng dưng hóa trắng"


   Khi Sascha xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu lộng lẫy, lạnh băng dựa vào cây đàn say sưa làm mê hoặc đám đông cuồng nhiệt, mình nghĩ đến lần đầu Nana trong bộ váy đỏ rực rỡ giữa mùa đông tuyết trắng trời, ngước nhìn Ren không thể dứt mắt, cảm giác của cô khi ấy xen lẫn thèm muốn lẫn ganh tị với ánh sáng tỏa rực rỡ từ anh, yêu và thương không thể phân biệt rạch ròi, cô cứ thế nhìn anh, say sưa, mê mẩn. Có lẽ những guitarist luôn giấu mọi nỗi niềm sau dáng vẻ cân cả đất trời chỉ với cây đàn kiêu hãnh, như Sascha với thói quen lặng lẽ bí mật trong đời tư, cũng như Ren với tuổi thơ không bằng phẳng, tình yêu dai dẳng đắm đuối và khát khao được chơi đàn đến tàn hơi ẩn sau vẻ mặt lạc quan bỡn cợt đến rùng mình. Trên sân khấu, họ là điểm nhấn, là chân trụ vững chắc của cả band, khi rời sân, khi đặt ánh sáng và âm nhạc tan mất, họ là ai?


   Ren, khi không còn những ánh đèn sân khấu, phải chăng anh chính là chàng trai co mình trên ghế tàu điện ngày chia tay Nana đến với Trapnest, những giọt nước mắt rơi xuyên kẽ tay gân guốc. Phải chăng anh chính là con người điên cuồng gọi cho Yasu lúc phát hiện Nana dõi mắt theo mình giữa hàng trăm khán giả, phải chăng điên cuồng vì cô đến mức chưa khi nào rời chiếc vòng cổ ổ khóa mà Nana là người giữ chìa, phải chăng chính là người ngập ngụa trong nghiện ngập khi mất đi cô, phải chăng là kẻ từng muốn giết cô để giữ lấy Nana bên mình mãi mãi.

   Những lúc như thế, mình chỉ ước như Nana đã từng nguyện cầu...


"Một ai đó, hãy thay tôi sưởi ấm cho Ren"



     Ren mất đi kéo mọi thứ sụp đổ dưới đôi bàn tay nguyên vẹn: tương lai của Trapnest, cảm xúc của những người yêu quý anh, cả Blast, và hơn ai hết là Nana. Mình vẫn cố gắng trong thất bại hình dung Nana khi Ren không còn nữa. Quyết định ở lại cùng Blast của Nana ngày đó vẫn ẩn chứa hình dáng Ren, đâu đó sâu thẳm, cô muốn mình độc lập để xứng đáng ở bên Ren thay vì nằm cạnh anh với tư cách dựa dẫm trơ trọi. Nana rớt nước mắt mỗi khi nhìn Ren trên sân khấu, và, cô chưa khi nào cưỡng được những nụ hôn từ người đàn ông ấy. Cô gái Nana đấy ăn kiêu hãnh để sống, mà trong từng lí do để kiêu hãnh luôn là anh, anh bảo cô ấy phải làm sao?





   Ren cô độc quá, đọc truyện bao nhiêu lần thấy anh là từng ấy lần mình muốn vòng tay ôm anh, ôm an ủi thật sự. Nhiều lúc mình ước Nana hãy bớt kiêu hãnh mà ôm lấy anh, kẻo anh không thể chịu được nữa mất, để rồi nhận ra một Nana như thế mới cuống hút anh đến chừng nào. Thứ tình yêu nơi anh lặng lẽ, dai dẳng khủng khiếp quá, nó không đầy biến động, lắm tranh giành như Takumi và Hachi, nó không bất ngờ nhưng ngọt ngào như Reira dành cho Shinichi, cũng không đến muộn đầy khỏa lấp như Yasu và Miu, kiểu tình cảm đó đau đáu quá, sâu sắc quá nên tổn thương cũng quá sức chịu đựng. Anh từ đầu đến cuối giấu mình sau vẻ ngoài cứng cỏi bắt mắt thường gặp ở những tay guitar kín tiếng, anh khoác lên nụ cười điềm tĩnh trấn an để rồi một mình chống đỡ mọi thứ, tôi biết anh và Nana giống nhau, cùng nghệ sĩ, cùng cô độc, cùng kiêu ngạo, cùng không thể sống thiếu nhau, đều đẹp đến lặng người khi đứng cùng nhau, nhưng tại sao lại cũng giống ở điểm tự dày vò nhiều đến thế? Đúng như những gì người ta nhìn thấy dưới ánh đèn sân khấu, anh sẽ chống đỡ cả thế gian chỉ với cây đàn.

   Nhưng thế gian ấy đã sụp đổ, bàn tay mỏi mệt đã biết buông.

   Trên chiếc xe lao dài trong tuyết trắng, Ren bất lực trong sự mệt mỏi của thể xác lẫn háo hức của tinh thần, hạnh phúc không phải lúc nào cũng cứu sống ta, suy nghĩ về người ta yêu thương không phải bao giờ cũng đem ta về với họ, cuộc đời không phải bao giờ cũng như ta mong muốn...

   Ren chết với đôi bàn tay nguyên vẹn, có lẽ khuôn mặt điềm tĩnh đẹp như tượng của anh sẽ không còn rõ ràng nữa, nụ cười của anh cũng đã bị nghiền nát, những gì thuộc về anh cũng bị vùi lấp dưới làn tuyết năm đó, hay cũng sẽ hòa theo tro bụi. Chỉ có hình ảnh đôi bàn tay, đôi bàn tay của một guitarist đã sống trọn cả đời cho niềm đam mê, đôi bàn tay bao lần nâng niu cô ca sĩ chính của Blast, đôi bàn tay vuốt những giọt nước mắt chỉ biết rớt rơi cho Nana, đôi bàn tay cầm mảnh pick và chơi những giai điệu mê hoặc, nó nằm đó trên tuyết, đầy ám ảnh, đúng đấy Ren à, ám ảnh đến thắt lòng.

Hãy tin tôi, sẽ chẳng ai đến bên Nana và có một vị trí chắc chắn đến ngạt thở như anh.

Và cũng chẳng ai che chở Nana tuyệt vời như anh đã làm

Rồi cũng chẳng ai khiến Reira cất giọng hát thiên thần, Trapnest cũng chẳng còn quyến rũ nữa

Ren à, anh ra đi kéo theo bao nhiêu thứ

Mất mát của anh kinh khủng và ích kỉ đến biết chừng nào.


--------------------------------------------------

Và cứ thế mình đã khóc trước một guitarist như Sascha, và nghĩ đến Ren kiểu vết thương lâu năm chưa khi nào liền miệng. Bằng cách nào đó mình thấy Sascha và Ren rất tương đồng, cũng vẻ mặt thỏa mãn khi cầm guitar, cũng dáng vẻ chăm chú lãng tử khi đứng trên sân khấu, bằng cách nào đó, Ai Yazawa thần thánh đã tạo nên một nhân vật sâu sắc, ấn tượng và đúng chất rock đến như vậy, nhân vật đó mạnh mẽ đến mỏng manh, cô độc đến mức tìm ngay được mảnh đồng cảm, nhưng cũng tuyệt vời đủ để chịu số phận đày đọa đến phút giây cuối cùng.

Đến nỗi mỗi lần nghĩ đến anh là chỉ muốn choàng tay ôm và bật khóc.

"Mãi sau này, mỗi lần nhìn những gì lấp lánh, tôi lại nghĩ đến Ren"














 


Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Gửi tuổi thanh xuân đang qua [...]

Có những loại kí ức không cần biết vui hay buồn, đơn giản chỉ nhìn qua là muốn khóc.



Hờ như những trưa hè bận bịu dọn nhà, dưới hơn ba lớp bụi là vài cuốn tập san sát những nét chữ nghiêng xiêu vẹo, những hình vẽ mờ nhạt bằng bút chì, những tờ giấy nháp lộn xộn phép tính. Rõ ràng là tuổi thơ vui vẻ trong trẻo, rõ ràng là những tháng ngày áo trắng khăn quàng đỏ ngây thơ không chút muộn phiền, nhưng vẫn làm đứa 18 tuổi đang chăm chú nhìn vào chợt muốn khóc. Vòng xe đạp giữa trưa nắng cùng thằng bạn thân đầu tiên - đứa mà bây giờ chẳng mấy khi gặp lẫn nói chuyện, hủ sữa chua có vài miếng xoài vuông được trao tận tay, đổi lấy hai tờ 2 ngàn hơi cũ trong túi quần học sinh xanh đậm, xe cá viên chiên lẫn kem ống vẫn đang mời gọi chếch bên phải...

...đuôi tóc đơn giản nhong nhỏng cao, chạm tấm lưng nhỏ ươn ướt mồ hôi, đôi mắt chỉ biết cười vẫy bạn vẫy bè lại ăn cùng, rồi cả đám cùng nói xấu những đứa khác, những bài giảng, bất bình huyên thuyên về thầy cô, bất tận trước cổng trường trung học có rất nhiều tán cây rộng, xum xuê... 

Sau đó có bao nhiêu lần chạy xe qua cánh cổng ấy nhưng không chút bận tâm, có thể đang gấp gáp đến chỗ hẹn, cũng có thể đang tựa đầu lên vai anh chàng nào đấy, mọi thứ cũng chóng qua, hình ảnh những cô cậu mới lớn, sức sống chảy tràn khóe môi, mang đầy đủ sức mạnh tinh thần để thách thức cả thế giới cứ thề nhòa nhoẹt dần.

Hờ như những ngày rảnh rỗi, chạy xe giữa cái nắng Sài Gòn ngang trường cấp 3, cứ thế dừng xe nhìn hoài nhìn mãi. 3 năm học là 3 lần đổi lớp, đầy mới mẻ đến mất hẳn sâu sắc đi, nhưng vẫn có thứ đọng lại, và lần nữa nó làm cô gái 19 tuổi muốn bật khóc. Chẳng phải đang đứng ở nơi đong đầy kỉ niệm lẫn niềm vui cùng bạn bè, chẳng phải đang đứng trước cánh cổng nâng mình đến những thành công tạm thời hiện tại hay sao, vì lí do gì những thổn thức cứ đều đặn dâng lên rồi lại lặn xuống, như sóng vỗ bờ, như đang tiếc nuối điều gì sau song cửa nhỏ...

Cô gái cấp 3 có phần cao và gầy hơn, mái tóc xõa hơn vai cùng đôi mắt gánh trọn hoài bão. Không còn là ánh nhìn cân cả vụ trũ, nhưng là tia sáng ước mong đi đến tận cùng mong ước.Thời điểm này hiện thực đã lấp ló sau tấm màn nhung mỏng manh, nhưng tấm màn vẫn lộng lẫy xinh đẹp quá, mọi ước mơ, nguyện vọng, niềm tin tưởng đều được treo trọn trên đấy, lung linh và lấp lánh khủng khiếp, liệu cô gái cấp 3 ấy còn muốn vén màn nhìn ra ngoài hay không, liệu những nhiệt huyết có đốt cháy tấm màn hút hồn không, và khi nó cháy, cô sẽ chấp nhận nổi chứ?

Cô gái cấp 3 không còn những tình cảm điên cuồng sau tấm lưng chàng trai lạ, sự điềm tĩnh và sâu sắc thay thế, nó níu giữ cô ở bên trong tấm màn cùng tà áo trắng và mái tóc xanh, nó ôm ấp cô bằng sự dịu dàng trong môi trường êm ả đẹp đẽ, như một người thợ xây đầy kiên nhẫn, dựng từng viên gạch xù xì vững vàng, chắc chắn đến khó lòng phá vỡ, đó là nguyện vọng bay bổng, là tình yêu, là những mảng bản chất nguyên vẹn sắp sửa đổ sập ...

Tôi của năm 20 tuổi mỗi lần nhìn lại mọi thứ chỉ muốn òa khóc.


Sẽ không có một lời giải thích nào cho những giọt nước mắt, sẽ không có một cái ôm an ủi đầy bi kịch nào trong thế giới phía sau tấm màn nhung hoài bão. Đã 2 năm kể từ ngày tôi nung tham vọng của mình đủ để bước ra ngoài, và cũng ngần ấy thời gian tôi thành công trên con đường lí trí, học hành nhưng loay hoay trong những cảm xúc lúc cuộn lúc yên. Đó là khoảng thời gian tôi quay đầu nhìn lại những gì đã qua nhiều nhất trong 20 năm cuộc đời, một phần ba đoạn đường dài ai cũng phải bước. Tôi đôi khi muốn xé thời gian lao về ôm chặt bản thân trong quá khứ để an ủi, lắm lúc thèm dang tay tát nó một cái rõ đau, hay chỉ đơn giản gặm nhấm những cảm giác sáng sủa trong trẻo mà những ngày tháng trước tôi luôn thừa mứa.

Tôi của năm 20 với mái tóc ngang vai, không còn mồ hôi nhếch nhác như cô bé cấp 2, không còn bờ vai nhỏ nhắn như năm cấp 3, và có cần phải nói không khi đôi mắt cũng bớt đi những hoài bão. Tôi bắt đầu biết sợ, biết lượng sức, biết suy nghĩ thật nhiều trước một quyết định. Đến cả yêu một người cũng làm tôi chùn chân rất lâu, bức màn nhung đã cháy ngày ấy trải dài dưới chân tôi, như một lời cảnh báo, như kéo những mơ ước, tham vọng mười phần không thật tế của tôi trượt khỏi tầm tay.

Biết không...

Tôi thèm lắm cảm giác được miết tay trên trang giấy trắng bên cạnh bạn bè, khi ấy đầu óc tôi còn an yên với suy nghĩ mọi người đều tốt đẹp và đáng yêu, với lí tưởng sống là phải thứ tha tuyệt đối, với niềm tin không ai thật sự đáng ghét, với khát khao hết lòng với những người tôi thương không chút hoài nghi. Thèm cảm giác gác cằm lên trang sách chờ giờ ra chơi, thèm nụ cười và những cái quan tâm nhỏ nhặt như chai nước nhỏ dưới canteen hay viên thuốc cảm nhỏ mỗi khi trái gió trở trời. Tôi thèm lắm cảm giác chỉ cần đưa tay về phía trước là nắm được lọn tóc bay của đứa bạn, là chạm được lưng áo mỏng manh của nó, là được nói chuyện trong niềm vui thích không bao giờ cạn.

Tôi khát đến khô cổ cảm giác được nghĩ về ước mơ của mình một cách phi thật tế, cảm giác có thể nói về tiền, về nhà lầu xe hơi, về những khoản chi một cách vô lo vô tư. Giấc mơ khi ấy trần trụi và sáng rực, con người tôi khi ấy ngây ngớt đến vô trách nhiệm, nhưng tôi vẫn nhớ những lúc ấy, khi bàn tay nhỏ mong làm mọi điều hạnh phúc trên thế gian...

Tôi sẽ không bao giờ quên cách mình nhìn người bạn trai đầu tiên, anh không phải người đến bên tôi trước nhất, nhưng là người tôi nghiêm túc lần đầu trong đời. Tôi nhớ mình nhìn anh với đôi mắt bao dung và nhẹ nhàng quá đỗi, anh bao giờ với tôi cũng đẹp và hoàn hảo đến lạ lùng. Từ đôi mắt lờ đờ đến khóe miệng vô lo toe toét, từ chiếc áo sơ mi nhăn không thèm ủi đến tính cách làm biếng và ích kỉ không ngờ. Vậy mà hình ảnh anh trong tôi trọn vẹn quá, không chút so sánh thiệt hơn, bởi lẽ tôi chưa gặp nhiều người, chưa bị đối xử tệ, chưa tan vỡ một lần, vì thế tôi thương anh, tin anh gần như trọn vẹn. Lắm lúc nhìn bản thân mình hiện tại soi xét một người để ý mình mà thảm thương, hoài nghi liệu có lọc cho tôi một người bạn đúng đắn?

Tôi muốn được chạy vào phòng ba mẹ và chen vào nằm giữa, kể đủ thứ chuyện ngu ngốc. Tôi mong được nghe ba mẹ nói về tương lai một cách mơ hồ và mới mẻ, tôi thèm được đối xử như một đứa trẻ ranh. Tôi thèm được mẹ mang cho chiếc giày nhỏ nhắn, được ba nấu cho món súp nóng làm điểm tâm, tôi mơ được dụi lần nữa vào lòng mẹ kể chuyện trường lớp hơn là cứ giấu nhẹm những áp lực chà bá của cuộc đời để ba mẹ bớt lo, lớn hơn là có trách nhiệm hơn, là nặng lòng hơn mà chẳng hề hay biết.

Tôi cứ thế, có khi một lần một tháng, hay một lần trong khoảng thời gian tương đối dài, nhìn lại mọi thứ và rưng rưng đến khi có việc khác ập đến cần giải quyết. Có lẽ những thổn thức trong lòng là do tôi tiếc nuối, đúng, tôi đang dần biết tiếc cho những gì từng ngày trườn mình qua cuộc đời mình, đã qua rồi thời tôi chỉ trông ngóng về phía trước, đã qua rồi những khoảnh khắc tôi bất chấp bỏ hành lí sau lưng và bay nhảy, đã qua hẳn rồi những lúc nhắm mắt mà yêu...

Có những loại kí ức cứ thích lấy đi sự cân bằng vốn rất gian nan để có được như thế...