Năm lớp 8, tôi lần đầu đọc truyện tranh Nhật thể loại SA (Shounen/Shoujo Ai) là Tokyo Babylon.
Khoan hãy khẳng định đó là một tuyệt tác mà tôi đã đọc đi đọc lại hơn
10 lần, thuộc từng câu thoại, rõ từng tình tiết; khoan hãy nói về bối
cảnh nước Nhật cách đây gần 25 năm (truyện ra đời năm 1990, kéo dài đến
1993) với những định kiến vẫn đeo gông nặng nề và cái nheo mắt đầy khắc
khe với giới tính thứ ba, cảm nhận đầu tiên của tôi - đứa con nít đến
tình yêu nam nữ còn chưa mường tượng nổi, huống gì một cung bậc khác,
một nấc thang khác, một thế giới hoàn toàn lạ lẫm của yêu đương ái ngộ -
là cảm động trước những câu chuyện đời thường được xây dựng khéo léo
đan xen, là khao khát được sống tốt đẹp hơn mỗi lần nhân vật nam chính
mỉm cười, là nhiều bài học có tính nhân văn được rút ra đều đặn sau mỗi
chương truyện. Gần 10 năm sau đó, ngẫm lại, tôi biết ...
...
trước khi nhận ra đồng tính là gì, trước khi ngờ ngợ mình đang mở trên
tay những trang sách truyền đạt thứ tình cảm có phần khác người, tôi đã
khẳng định chắc như đinh đóng cột, trong nhận thức, rằng những nhân vật
đó xứng đáng được hạnh phúc, xứng đáng được thừa nhận và trân trọng dù
thế nào đi nữa, bởi họ đã sống đủ tốt, nâng niu nhau đủ nhiều, và cống
hiến cho xã hội này đủ miệt mài, chân chính. Khi ấy tâm trí tôi hoàn
toàn thoáng đãng, không bị phủ mờ bởi bất cứ lời kêu gọi ủng hộ đồng
tính nào, không bị kích động trước vài câu chuyện bi thương về quyền
được yêu của người đồng tính, tôi chỉ nhìn họ bằng con mắt trong veo,
nhìn họ như một người bình thường, và ai lại ghét bỏ một người bình
thường tốt đẹp, không gây hại hay tổn thương ai, không mảy may có ý xáo
trộn thế giới.
Tôi
không khắc khe, cũng không quá vị tha hay mang trên vai một bầu trời
nhân cách. Tôi ích kỉ, hay hờn dỗi, mắc bệnh chán ghét vô cớ, đồng thời
cũng rất hiền lương lành tính. Tôi biết trên cuộc đời này có rất nhiều
kẻ như tôi, cũng lưng chừng, cũng dễ thích nghi và không hay so đo phán
xét. Xã hội này ban đầu bất đồng vì giới tính thứ ba, dùng nhiều từ cay
độc như báo chí vẫn viết, nhưng dần cũng như tôi lần đầu biết về thế
giới của các bạn : nếu hình ảnh của người đồng tính là tốt bụng, là hòa
nhập như một người qua đường thường thấy, hay thậm chí hữu ích, bao dung
như Subaru, hẳn chúng tôi sẽ đánh giá các bạn đúng thôi, cần thời gian,
nhưng chắc chắn đại đa số sẽ chấp nhận các bạn, như chấp nhận một kẻ
hơi lạ đứng dưới một bầu trời, uống chung nguồn nước mát.
Tôi vẫn tự hỏi phong trào "sống thật" của các bạn mang đại ý gì,
khi lẽ ra các bạn đã sống thật từ ngày chui khỏi bụng mẹ rồi cơ. Sinh
ra, lớn lên trong cuộc đời này dưới hình hài, khuôn mặt không lẫn vào
đâu đã là một lần sống thật; lớn lên cư xử khéo léo, định hình tính
cách, xây dựng hoài bão mang dáng dấp bản thân, để khi vô tình gặp bạn
bè cũ, hỏi đến bạn họ sẽ nhanh chóng dùng ngay vài tính từ
chỉ-dành-cho-bạn, để khi nhìn mình trong gương, bạn phân biệt được bản
thân với những cô gái cậu trai cùng tuổi. Mọi người ai cũng có cơ hội
sống thật một cách tự nhiên, dù là tôi - đứa con gái thích con trai, hay
bạn tôi - đứa con trai thích con gái hay các bạn với những tình cảm đủ
loại đan xen. Trào lưu "sống thật" gần đây vô tình khiến tôi phân biệt
mình với các bạn, các bạn cần "come out" còn những người khác thì không,
các bạn nghiễm nhiên cho rằng đấu tranh vì người đồng tính quan trọng
vô cùng, mà quên đi hàng ngày phụ nữ ở một số quốc gia Trung đông hay
gần hơn là Trung Quốc, Nhật bản vẫn tìm cách khẳng định bản thân, bình
quyền giới tính. Những vấn đề các bạn đối mặt hoàn toàn nằm trong những
bất bình xã hội, sự bất công các bạn đang đấu tranh hoàn toàn tương tự
với những gì người phụ nữ cố gằng hàng ngàn năm qua để xoay chuyển. Xã
hội này vốn không công bằng, chỉnh trang suy nghĩ vốn đã hình thành từ
ngàn xưa, được bồi đắp bởi bề dày lịch sử chỉ bằng lời nói đơn thuần là
vô ích lắm. "Sống thật" là biểu ngữ của các bạn, các bạn sẵn sàng xù
lông, thậm chí phán xét người khác là cổ hủ, là bất công (dù cuộc đời
vốn chẳng bao giờ công bằng nổi) khi họ lên tiếng phản đối, bao nhiêu
người nằm vùng trào lưu lớn mạnh như làn sóng dữ, sẵn sàng nhấn chìm
không chút lắng nghe, thậm chí đắn đo suy nghĩ liệu mình cần sống như
thế nào để xã hội này chấp nhận điều vốn không thuận số đông như thế?
Ngày
còn bé, tôi thường xuyên bị điểm thấp môn Toán, cô phạt đứng giữa lớp,
thậm chí từng mắng nặng lời dù tôi viết Văn rất tốt, hay ít nhất tôi
thích nó nên dành toàn bộ thời gian đầu tư, tôi học ngoại ngữ cũng nhanh
hơn mọi người nhưng chưa từng nhận lấy một lời khen ngợi, động viên từ
thầy cô, ngưỡng mộ từ bè bạn suốt bốn năm cấp 2. Tôi từng quẹt nước mắt
than trách nền giáo dục VN bất công, ham thành tích khi ưu ái ba môn Tự
Nhiên, bỏ mặc những bộ môn có ích, gầy dựng nhân cách con người như
Văn-Sử-Địa, tôi từng bất mãn đến đòi chuyển trường, chán ghét đi học.
Nhưng rồi nhận ra vùng vẫy tiêu cực đến đâu thì tôi vẫn là người chịu
thiệt, xã hội rộng lớn không ưu ái đứa con bé nhỏ nào, chúng hoạt động
theo xu hướng, theo nhận định lâu đời. Để được công nhận hay ít nhất
được sống bình yên, ngoài tinh thần nỗ lực còn phải khéo léo nghiêng
theo đúng chiều, vì cơ bản chẳng ai đủ mạnh để một tay chống trời, một
cá thể dù xuất chúng đến đâu cũng chẳng thành công nổi khi đơn độc giữa
đại chúng. Tôi không thích, chưa bao giờ thích, thi ĐH và bước vào ĐH ở
Việt Nam bởi những sáo rỗng, những cũ kĩ chưa bao giờ được đấng tối cao
dòm ngó, bởi những ngao ngán vì kiến thức dư thừa nhàm chán của kẻ đi
trước. Nhưng tôi vẫn học đến kiệt sức năm 12 để thi vào trường ĐH khá có
tiếng, vẫn duy trì điểm số và hoạt động ngoại khóa cho đến khi chính
thức đi du học. Nhìn lại những cố gắng trước kia, tôi không giấu được tự
hào, bởi tôi đã không nghiêng hẳn về các môn tự nhiên như gia đình và
thầy cô vẫn ngày đêm hướng đến (tôi học tại THPT dân lập Nguyễn Khuyến,
điều này giúp bạn hình dung rõ hơn về số phận những học sinh kiên quyết
chọn khối xã hội), tôi dùng các môn xã hội để theo mục tiêu mang tính xu
hướng chung là Đại Học.
Tương tự với LGBT, con đường của các bạn chưa bao giờ nên biệt lập với xã hội này. Đừng xem mình mỏng manh yếu đuối, đừng tự gọi mình là giới tính thứ ba, đừng rầm rộ tổ chức kỉ niệm yêu nhau hay những chiến dịch mang tính phô trương quá thể, cũng đừng tỏ ra xúc phạm điên cuồng khi ai lỡ động đến các bạn. Ác cảm đồng tính về bản chất rất giống với cảnh tôi ngồi trước chén ngũ cốc mỗi sáng, ngán ngẩm vì khác văn hóa, ngược khẩu vị, lẽ ra phải là bát phở nóng ngon lành hay dĩa bánh ướt với vài miếng chả vàng ươm, đắm mình trong dòng nước mắm trong veo ngòn ngọt thơm thơm chứ. Thay đổi thói quen, quan điểm là một cuộc chiến dài hơi. Tôi vẫn giữ suy nghĩ ở đầu bài, điều người đồng tính cần thực hiện không phải một cuộc come out tập thể, hay những bài viết bi thương khổ sở, càng không nên những đám cưới rình rang hay biểu tình xuống đường đòi công bằng khắp chốn, những điều ấy vô tình khiến một số người không chấp nhận cảm thấy bội phần ác cảm, và có khả năng kéo theo những người vốn không định kiến - bởi nhìn đi, các bạn đang trẻ con mà phóng đại cái đau, cái éo le của bản thân lên mức cực đại. Trước hết hãy hòa nhập như một kẻ bình thường, cách ăn mặc, trang điểm gần gũi với những người các bạn thật sự mong ước được hòa nhập cùng. Sống thật vui vẻ, hạnh phúc và dễ gần, sống có ích và cống hiến một cách tự nhiên. Chẳng nhiều kẻ nỡ ghét một cô gái luôn cười vui vẻ, luôn vị tha nhân hậu lại thành đạt, có ích cho xã hội chỉ vì cô ta có giới tính dị biệt; chẳng đa số nào bỏ thời gian nói xấu sau lưng thằng nhóc lễ phép, chơi tốt với bạn bè, học hành chăm chỉ đầu ngõ chỉ vì nó có giọng nói hơi lạ và không thích chơi cùng con gái. Vốn dĩ cái tốt, cái đẹp sinh ra để được nâng niu, được đưa làm chuẩn mực, được ôm ấp thứ tha, chẳng mấy ai đành lòng hắt hủi nó quá lâu dù có giận, có vô cớ bực tức, có chướng tai gai mắt đến đâu, mà dù có đi nữa cũng chắc chắn có người nhảy vào bênh vực đến cùng, bởi như tôi nói, chẳng mấy ai đành lòng hắt hủi cái đẹp quá lâu...
Thị phi hơn, từ "sống thật" còn được lạm dụng trong rất nhiều trường hợp khi có người ngông nghênh chửi đời, chửi người, phát ngôn những điều hiếm ai nói ra. Điều đáng nói mục đích không hướng về làm giàu tri thức xã hội như những nhà văn phê bình nổi tiếng vẫn làm, đem tiếng chửi đời ngạo sâu sắc xã hội bấp bênh (Nam Cao), đem tiếng cười có phần thô tục mài dũa thành tấm gương phản ánh những tầng lớp phế thải (Vũ Trọng Phụng),... ngược lại, họ chửi đổng lên chỉ vì muốn "sống thật", muốn trải thẳng ruột gan cho thiên hạ ngắm nhìn, hay đơn giản chỉ nói cho thỏa thích. Trên đời này có những điều không cần thiết nói ra, bởi nó gây tổn thương cho kẻ đối diện hay hệ lụy xa xôi nào đấy, có vài điều không nên bàn tán qua lại, bởi nó không liên quan, thậm chí lâu dần trở thành thói quen tọc mạch rất xấu. Mỗi người có bí mật họ giữ trong lòng, mỗi xã hội có khía cạnh được che đậy kĩ lưỡng, đôi khi không nói ra để đánh đổi bình yên là lựa chọn của rất nhiều người, và tôi vẫn nghĩ là điều đúng. Chỉ khi nào lợi ích của việc nói lên suy nghĩ, ngóc ngánh ấy lớn hơn những tổn thương xã hội hay cụ thể hơn là động chạm tinh thần của kẻ liên quan thì vẫn còn chấp, nếu không, như tôi đã nói, tọc mạch rất xấu.
Và sau bao chuyện xảy ra, nổi bậc là vụ Bitches In Town, tôi quan ngại thật lòng trước hai từ "Sống thật", từ một phẩm chất ai cũng nên có dần trở thành đặc quyền được ca ngợi của một bộ phận, lí lẽ ngụy biện cho những kẻ lắm lời.
[JN]
Bài viết hay quá, sau khi đọc những bài viết của chị em thấy thật ngưỡng mộ con người của chị, nếu được hãy cho em xin fb để theo dõi ❤️
Trả lờiXóa